LỰA CHỌN LỐI SỐNG KHẮC KỶ ĐỂ THẤY AN NHIÊN NGAY CẢ GIỮA NHỮNG THĂNG TRẦM
Xã hội hiện nay con người sống theo một xu hướng chung mặc định của toàn xã hội gọi là chủ nghĩa vật chất, chỉ có điều mỗi người chúng ta có nhận thức được hay không mà thôi. Người theo chủ nghĩa vật chất thường dồn sự tập trung vào những điều họ chưa có, mong muốn đạt được như khát khao hạnh phúc, chồng giàu, vợ đẹp, quyền lực, địa vị, tiền tài… một khi đạt được điều này thì người ta lại khao khát điều khác lớn hơn. Cứ mải mê vòng quanh mà vẫn không hài lòng, bởi vì mục tiêu của chủ nghĩa vật chất là tối đa hóa lợi ích chứ không phải là đi tìm hạnh phúc.
Riêng tôi, Tôi chọn theo lối sống theo chủ nghĩa khắc kỷ. Sau một thời gian trải nghiệm lối sống ấy, tôi đã ngộ ra thật nhiều điều và quan trọng hơn tôi cảm thấy hạnh phúc và an yên hơn với lối sống ấy. Và hôm nay tôi muốn chia sẻ điều đó với tất cả các bạn, nếu bạn thấy phù hợp và cũng đồng điệu với tôi, có thể áp dụng nó vào cuộc sống của bạn.
[1].Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Chủ nghĩa khắc kỷ là một lối sống giúp rèn luyện tinh thần của con người trở nên bản lĩnh và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những thử thách chắc chắn ai cũng gặp phải trong cuộc sống.
Người sống theo chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng sở dĩ chúng ta thường gặp đau khổ là do chọn sai cách nhìn nhận, đánh giá về sự vật, sự việc diễn ra xung quanh. Trong khi để có được hạnh phúc bền vững thì cách đơn giản nhất là không bị tác động bởi những ham muốn như tiền bạc, danh tiếng, quyền lực, vẻ bề ngoài…
Nếu hòa hợp với con người và thế giới xung quanh bằng tâm hồn trong sạch, có ý chí và bản lĩnh, ta sẽ bình thản bước qua nghịch cảnh từ đó hướng đến một đời sống an lạc.
[2].Nguồn gốc của chủ nghĩa khắc kỷ từ đâu?
Chủ nghĩa khắc kỷ hay Tiếng Anh là Stoicism xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 3 TCN tại Athens, ban đầu được gọi là ‘Zenonism’ theo tên của người sáng lập Zeno thành Citium – ông là một triết gia Hy Lạp với câu nói rất nổi tiếng là “Con người có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”. Chủ nghĩa khắc kỷ không những phổ biến trong thời hiện đại mà từ thời xưa lối sống này đã được nhiều nhân vật nổi tiếng thực hành như triết gia Seneca (4 TCN – 65) và triết gia Epictetus (55 – 135), Hoàng Đế Marcus Aurelius (121 – 180)…
[3]. Nguyên lý căn bản của chủ nghĩa khắc kỷ?
Nguyên lý căn bản và quan trọng của chủ nghĩa khắc kỷ là không cố gắng kiểm soát những gì xảy ra với chúng ta, thay vào đó nên kiểm soát phản ứng của mình trước những điều đó. Theo đó chủ nghĩa khắc kỷ phân chia sự vật, sự việc trong cuộc sống làm 03 nhóm:
Nhóm 01: Những thứ ta có thể kiểm soát là suy nghĩ và hành động của ta.
Nhóm 02: Những thứ ta có thể kiểm soát một phần, như các sự việc có sự tham gia của người khác.
Nhóm 03: Những thứ ta không thể kiểm soát là suy nghĩ, hành động của người khác và các yếu tố tự nhiên.
Sau khi bạn đã phân chia các sự vật, sự việc được rõ ràng thì làm theo từng bước như sau:
+)Hãy tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát;
+)Lên kế hoạch cho những công việc có sự ảnh hưởng của người khác;
+)Bỏ qua tất cả những thứ mà bạn không thể kiểm soát.
[4].Sống theo chủ nghĩa khắc kỷ giúp ích gì cho bạn?
Thứ nhất: Giúp bạn hiểu rõ việc nào trong tầm tay của mình.
Trong quá trình thực hành lối sống khắc kỷ, bạn sẽ học cách nhận ra điều gì có thể kiểm soát cũng như hiểu rõ việc nào ở trong tầm tay của mình. Bạn có thể đầu tư thời gian, tập trung năng lượng, làm chủ cảm xúc để thực hiện thật tốt công việc phù hợp với khả năng của mình, và bỏ ngoài tâm trí những thứ mà bạn không thể nào can thiệp hoặc thay đổi nó.
Thứ hai: Giúp bạn Tập trung vào suy nghĩ, hành động của mình.
Không chỉ bỏ qua những thứ không thể kiểm soát bao gồm yếu tố ngoại cảnh, thời tiết hay phớt lờ thái độ và hành động của người khác, bỏ qua cả những chuyện xui xẻo có thể xảy đến,… mà bạn cần tập trung để kiểm soát tư duy, lời nói và hành động của mình. Bằng cách chịu trách nhiệm hoàn toàn với tâm trí và hành động của mình, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc thật sự, chấm dứt mọi khổ đau để hướng đến tự do và bình an.
Thứ ba: Giúp bạn Bỏ ngoài tai những điều người khác nghĩ.
“Dám nghĩ, dám làm, dám thất bại, dám làm lại” sẽ là một châm ngôn tốt để bạn có thể sống cuộc đời của chính mình mà không phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác. Bỏ ngoài tai những lời xì xào, bàn tán của người khác không có nghĩa là xem thường ý kiến của họ, mà cần nghe một cách chọn lọc, phù hợp với quan điểm của bản thân mình chứ không phải là ai nói gì cũng theo. Thực tế, nếu bạn dám chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, hành động, quyết định của mình thì bạn sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi, hoàn thiện để tốt lên từng ngày.
Thứ tư: Giúp bạn không bị phân tâm bởi những thú vui tiêu khiển.
Cuộc sống của thời hiện đại ngày nay, khiến tâm trí con người thường xuyên bị lay động bởi những thứ phiền nhiễu xung quanh như tin tức giật gân vô bổ, các hoạt động giải trí, game online… Đến khi gặp phải một vấn đề khó khăn, thay vì dành sự tập trung để giải quyết khó khăn thì người ta lại tìm đến các hoạt động giải trí nhằm tìm niềm vui ngắn hạn. Trong khi đó, những người thực hành khắc kỷ hiểu rằng sự vui vẻ kia chỉ là thoáng chốc và những khó khăn sẽ không tự biến mất nếu không đối mặt. Giải pháp duy nhất là tập trung vào cảm xúc gây ra sự buồn chán nhằm đối diện với mình và thấu hiểu chính mình, giải quyết triệt để vấn đề… nhờ vậy mà họ không mất thời gian cho những thú vui tiêu khiển xung quanh.
Thứ năm: Giúp bạn học cách chấp nhận mọi điều diễn ra như nó phải thế.
Mọi việc trong cuộc đời diễn ra đều có lý do và chắc chắn sẽ mang đến cho chúng ta những bài học, thay vì chống lại mọi thứ và khiến bản thân gặp khổ sở thì học cách chấp nhận chính là nền tảng để bạn có thể chạm đến hạnh phúc thật sự. Hãy chấp nhận mọi thứ diễn ra trong đời sống của bạn như nó vốn dĩ phải thế, bởi vì chuyện không như ý có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cũng như việc chúng ta phải gặp những người khiến cho ta không thoải mái. Nên ý thức rằng bản chất của mọi sự đều không xấu cũng không tốt, chúng ta chỉ là những hạt cát trên sa mạc và thế giới cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ bao la.
Thứ sáu: Giúp bạn Tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc.
Thời gian vốn hữu hạn trong khi đời sống con người lại mỏng manh, chúng ta thường bị cuốn vào công cuộc kiếm tiền mà quên rằng cha mẹ già yếu có thể ra đi bất kỳ lúc nào, con cái thì lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương. Lối sống khắc kỷ giúp chúng ta nhận ra sự ngắn ngủi của từng khoảnh khắc mà mình đang tận hưởng, từ đó đối xử với mọi người xung quanh như thể đó là lần cuối cùng gặp họ, thay vì lãng phí thời gian vào những điều vô ích.
Thứ bảy: Giúp Bạn sẽ nhận ra rằng “Sự nghèo khó vật chất” không thực sự đáng sợ.
Chúng ta luôn cho rằng mọi người có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn mình, cũng như đem bản thân mình so sánh với người khác dường như trở thành bản năng của con người mà quên rằng đâu mới là điều mang đến hạnh phúc thật sự. Nhiều người chìm đắm trong ảo mộng, không hài lòng với những gì họ đang có, mà luôn cố gắng tìm cách lấp đầy ham muốn của chính mình và cho rằng đó mới là hạnh phúc, nhưng đến cuối cùng lại không thể nắm giữ được gì cả. Sao không quay vào nội tâm và tự hỏi chính mình: “Đâu là điều tôi thật sự cần? Hạnh phúc, sức khỏe, hay vật chất?”. Vì thế cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn và những gánh nặng vật chất không thực sự đáng sợ như là bạn nghĩ, con người không hạnh phúc hơn bởi những gì họ có mà từ những gì họ cho đi.
Thứ tám: Giúp bạn xem những khó khăn như những bài học thử thách để hoàn thiện bản thân.
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ thấu hiểu được sự mong manh của kiếp người, cũng như giá trị của từng khoảnh khắc trôi qua nên họ luôn trân trọng mọi thứ xung quanh. Cùng một sự việc xảy ra nhưng đối với người này là thảm họa trong khi người khác lại nhìn thấy cơ hội. Cho dù đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn luôn biết ơn cuộc đời đã cho họ nghị lực và xem mọi thử thách trở thành phương tiện để họ hoàn thiện bản thân. Thay vì thể hiện sự tức giận hay chán nản, người có lối sống khắc kỷ cảm thấy biết ơn và hài lòng đón nhận mọi việc xảy ra như vốn dĩ nó phải thế. Bạn đừng mong số phận của mình trở nên khác đi mà hãy chấp nhận, đương đầu, làm bạn và yêu lấy số mệnh của mình.
[5]. Làm thế nào để thực hiện lối sống khắc kỷ
a)Không xem bản thân mình là khác biệt.
Nếu không may chuyện xui xẻo rơi xuống đầu bạn, hãy nghĩ rằng điều đó đã từng xảy ra với người khác.
Ví dụ:
Khi người thân của một người bạn qua đời, chúng ta có thể an ủi rằng: “Mọi chuyện rồi sẽ qua. Sinh lão bệnh tử vốn là một phần của đời sống, không ai tránh khỏi và cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn”.
Khi chúng ta mất đi người thân, chúng ta lại than thở rằng: “Tôi buồn quá, một năm qua không biết bao nhiêu chuyện. Tại sao điều này lại xảy ra với tôi vào lúc này cơ chứ?”.
Bài học này có thể giúp bạn nhìn nhận sự việc theo hướng khách quan, rằng những điều không may mắn cũng xảy ra với người khác chứ không phải chúng được dành riêng cho bạn. Vậy tại sao bạn cảm thấy bình thản khi chúng đến với người khác, còn khi xảy ra với bạn thì chúng lại trở thành phiền phức, khó chịu, thậm chí là thảm họa.
b)Đánh giá sự việc với góc nhìn từ trên cao.
Có một vấn đề vừa mới xảy ra, bạn mọc một chiếc răng khôn (thật ra là rất ngu) khiến hàm bị sưng lên, đau đến mức bạn không nhai được còn sếp thì liên tục hối nộp bài thuyết trình trước cuối tuần. Bạn cảm thấy thời điểm này thật tệ, mọi việc sao mà cứ rối tung rối mù hết cả lên. Trong khi đó ở nước Nhật đang diễn ra nạn sóng thần cuốn trôi nhà cửa, tài sản thậm chí nhiều người bị mất mạng. Và ở Indonesia, một nhà thờ Công Giáo vừa bị khủng bố đánh bom tự sát làm cho 2 người chết và 20 người khác bị thương. Hai thảm họa trên khiến vấn đề đau răng khôn của bạn trở thành chuyện lố bịch.
Bài học này giúp bạn nhìn nhận sự việc với góc nhìn từ trên cao. Khi gặp sự cố không vui, hãy tưởng tượng bạn đang ở trên vệ tinh nhìn xuống, lúc đó bạn thấy mình như cái chấm nhỏ xíu trong một ngôi nhà nhỏ, trong một thành phố nhỏ, trong một quốc gia nhỏ, trong một trái đất nhỏ. Và toàn bộ trái đất trở nên nhỏ bé so với vũ trụ. Những vấn đề bạn xem là quan trọng nhưng nó thực sự không quan trọng như bạn nghĩ.
c)Ý thức về sự vô thường của vạn vật.
Cuộc sống vốn vô thường, những người mà bạn quan tâm có thể ra đi một cách đột ngột không hề báo trước, chính bạn cũng vậy. Hãy trân trọng những người thân yêu, những gì mà bạn đang có, luôn nhắc nhở bản thân mình về giá trị của cuộc sống là ở đây và ngay bây giờ.
Bài học này giúp bạn có thời gian để suy ngẫm về cái chết của bản thân. Hiểu rằng cuộc sống là hữu hạn, những thứ bạn đang có là vay mượn và không biết khi nào phải trả lại, vì thế hãy biết ơn và sống sao cho xứng đáng.
d)Nghĩ về bản thân như một người sắp chết.
“Hãy nghĩ về bản thân như một người đã chết và phải sống cuộc sống của mình. Việc bây giờ nên làm là dùng những gì còn lại và sống một cách xứng đáng.” – Marcus Aurelius. Câu này có ý khuyên bạn rằng hãy quên hết những chuyện của quá khứ, trân trọng hiện tại và tận dụng tối đa thời gian, giống như ngày hôm nay là tất cả những gì bạn có, ở đây và ngay bây giờ. Bạn có thể trở thành người tốt, sống có lý trí và đức hạnh thay vì mê mẩn vào những chuyện vặt vãnh như cờ bạc, cá độ, game, trai gái…
Bài học này giúp bạn hình dung mình là một người sắp chết. Vậy thì đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Thực sự bạn đang dành thời gian cho cái gì?
e) Lựa chọn lối sống tối giản nhất có thể.
Bạn đang xem mọi thứ có được trong đời sống hiện nay là điều đương nhiên. Chẳng hạn đến bữa được ăn ngon, khi cần thư giãn có các phương tiện giải trí, lúc cần nghỉ ngơi có chiếc giường êm ấm. Câu hỏi là bạn có thể sống một cuộc đời thật đơn giản không? Nếu bạn tự nguyện giảm bớt những tiện nghi vật của bản thân một thời gian thì điều gì sẽ xảy ra? Chẳng hạn nhịn ăn 01 ngày, 03 ngày không uống cà phê sáng, 01 tuần ngủ dưới đất lạnh, 01 tháng không tắm bằng nước nóng, 01 năm không sắm sửa quần áo mới,… liệu có phải là những điều khiến bạn sợ hãi không?
Bài học này giúp bạn càng thêm trân trọng những điều đang có, sống một cách điều độ, giảm bớt sự sở hữu vật chất để đạt được nhiều tự do hơn. Nếu lỡ mọi thứ có mất đi thì cũng không sao mà, bạn vẫn có thể sống thật đơn giản, không có gì là thảm họa cả.
f)Không phản ứng hấp tấp với chuyện vặt vãnh.
Khi bạn đang di chuyển trên đường phố, thấy có hai xe đi cùng chiều va chạm vào nhau, dù rằng không ai bị hề hấn gì nhưng một người điên máu lên quyết đuổi theo và buông lời chửi thề, người còn lại cũng phát khùng rồi chửi lại. Thế rồi cả hai dừng xe giữa đường, chỉ vào mặt nhau, túm áo nhau, cả một đoạn đường kẹt xe vì những người hiếu kỳ muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Chỉ vì cảm xúc nhất thời mà người ta có ấn tượng rằng những người khác là lũ khốn nạn nên mới tông xe vào mình, rồi nổi nóng trong khi có thể bản thân mình đã từng làm điều tương tự trong quá khứ.
Bài học này giúp bạn có được sự bình tĩnh, nhận ra việc hấp tấp phản ứng ngay là không thật sự cần thiết. Khi cảm thấy mình đang nổi giận, hãy hít một hơi thật sâu và tự hỏi mình “Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra? Tôi nổi giận vì chuyện này có hợp lý không?”. Trong phần lớn trường hợp, tốt nhất là không cần phản ứng gì cả, những chuyện vặt vãnh có thể dẹp đi.
g)Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với tôi là gì?
Tất nhiên không có ai muốn điều tồi tệ sẽ xảy đến với mình, nhưng bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Trước đây, tôi có một cửa hàng đồ cưới trên đường Hồ Văn Huê, khi dịch Covid xuất hiện và thành phố thực hiện cách ly xã hội, nhiều ngành dịch vụ không thiết yếu từ hạn chế cho đến ngưng hoạt động hoàn toàn và Cưới Hỏi nằm trong số đó. Tôi nghĩ rằng nếu Covid kéo dài chắc phải đóng cửa và thật sự là dịch kéo dài thêm một thời gian nữa nên tôi đã quyết định trả mặt bằng mà không cần đắn đo, bởi vì cũng đã tính đến chuyện này rồi.
Bài học này giúp bạn hình dung về một tình huống không thuận lợi trước khi nó xảy ra, nhờ đó bạn sẽ giữ được bình tĩnh và xử lý tốt hơn thay vì bị sốc và lúng túng lên. Đây là một bài tập kinh điển của chủ nghĩa khắc kỷ và có thể giúp tình trạng tồi tệ trở nên khá hơn.
Tôi tin rằng để có một cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc thì chúng ta cần chuẩn bị một tâm hồn trong sạch, rèn luyện ý chí kiên cường, bản lĩnh trước khó khăn, nghịch cảnh và hãy thực hành lối sống khắc kỷ để luôn cảm thấy an nhiên và tự tại.